Di tích Bàu Thành thuộc loại hình Di tích Lịch sử – Văn hóa trong lịch sử Nam tiến của Quốc gia Đại Việt. Nơi đây đã ghi lại dấu tích một thời nơi biên ải địa đầu trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt tiến về phương Nam.
Di tích Lịch sử – Văn hóa Bàu Thành nằm ở tọa độ 10°29’1”N; 107°12’39”E, tọa lạc tại khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng Diện tích của khu vực Bàu Thành là 24 ha, Bàu Thành có chu vi 1.073m với Diện tích mặt nước 4,16 ha, chỗ sâu nhất 4,6m. Bàu Thành là một cái hồ hình chữ nhật, bàu sâu hình lòng chảo tích trữ nước ngọt, nguồn nước cung cấp cho hồ là lượng nước trong mùa mưa hàng năm mang lại.
Khi xưa Bàu Thành chứa nước ngọt quanh năm, không bao giờ cạn, cho dù hạn hán kéo dài. Vì vậy dân gian trong vùng còn truyền lại câu ca:
“Bao giờ Bưng Bạc hết sình – Bàu Thành hết nước thì mình hết thương”
Quanh bờ hồ Bàu Thành được gắn hàng rào sắt, lan can inox với chiều dài 1.037m bao quanh hồ. Trải qua nhiều thế kỷ, hiện nay chỗ sâu nhất của bàu còn lại khoảng 4- 5m, bờ đất (Giồng đất) phía Đông và phía Tây đã bị người đời sau san phẳng với nhiều lý do khác nhau, bờ đất phía Đông, tục gọi là giồng cây Cầy và phía Nam là giồng Bà Thông nay không còn tre gai như dấu xưa cũ, nay trồng các loại cây xanh để làm cảnh quan và lấy gỗ.
Bờ đất phía Bắc có chu vi 821m, cao trên 11,7m, bề mặt rộng khoảng 76m, dài 359m. Bờ đất phía nam Bàu Thành có chu vi 876m, dài 362m, rộng 45,5m, cao 13m. Di tích lịch sử lưu dấu sự kiện Bàu Thành thuộc xứ Mô Xoài, có ý nghĩa lịch sử lâu đời (gần 400 năm), gắn liền với lịch sử Lũy Phước Tứ (Lũy Mô Xoài, Lũy Hưng Phúc, Lũy Hương Phước, Lũy Bô Tâm), Di tích xưa nhất của người Việt ở Nam Bộ. Bàu Thành tục gọi xưa kia là “Dục Tượng Trì” – (Ao voi tắm) nơi địa đầu biên ải dưới triều đại nhà Nguyễn. Bàu ở gần đồn binh của người Cao Miên, Thống binh Bô Tâm dùng để voi tắm, lấy nước cho voi uống.
Nơi đây đã ghi dấu một thời của binh lính Cao Miên đóng đồn dưới sự chỉ huy của Thống binh Bô Tâm, về sau là đồn binh của nhà Nguyễn để bảo vệ trị an và biên ải của đạo Mô Xoài trong buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam của dân tộc Đại Việt. Chính tại nơi đây đã in dấu hai trận chiến đại thắng của quân dân Đại Việt dưới triều đại Nhà Nguyễn.
Trận chiến thứ nhất vào năm 1658 do phó tướng Dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yến chỉ huy, trận chiến thứ hai vào năm 1674, do chủ tướng Dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm chỉ huy, Nguyễn Diên làm tiên phong, bình định xứ Mô Xoài. Cả hai lần đánh dẹp quân đội Chân Lạp, phá được lũy binh, đánh chiếm thành luỹ, bắt tướng giặc hàng phục, từ đó quân đội Cao Miên không dám xâm phạm biên ải và quấy nhiễu cư dân xứ Mô Xoài. Trong hai trận chiến đã thể hiện quyết tâm đồng sức đồng lòng của quân, dân Đại Việt dưới thời Nhà Nguyễn đánh thắng quân Chân Lạp gây hấn ở địa đầu biên ải (đạo Mô Xoài), bảo vệ cư dân Việt khai khẩn đất hoang, hình thành và xây dựng cộng đồng cư dân nơi vùng đất mới phương Nam.
Theo Trịnh Hoài Đức: Thành lũy Mô Xoài (Lũy Phước Tứ) gắn với Bàu Thành là Di tích xưa nhất của người Việt ở Nam Bộ, thời khai hoang, mở cõi đất phương Nam, xứ Mô Xoài nơi người Việt dừng chân đầu tiên ở Nam bộ. Khi các Chúa Nguyễn cai trị vùng đất phương Nam, Mô Xoài thuộc Phủ Gia Định, Dinh Trấn Biên (trấn ải nơi biên cương, một nơi xung yếu) có cửa biển, núi rừng bao phủ thật là hiểm trở. Là quan ải của đất nước, vì thế các Chúa Nguyễn đều quan tâm phòng thủ nơi miền biên ải này, đặt hệ thống cai trị ở đây theo chế độ quân quản, đặt các đồn binh nhằm bảo vệ vùng đất biên cương.
Cách Bàu Thành khoảng 800m về phía Nam là địa điểm gò Cây Cám, đây là một gò đất khá lớn nằm trên địa phận xã An Ngãi, huyện Long Điền. Tại đây, vào năm 1999, trong khi san ủi mặt bằng để mở đường chạy qua đỉnh gò, những người công nhân đã phát hiện một tượng đá. Theo giám định của Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, tượng đá này mang phong cách của văn hóa Óc Eo. Bảo tàng tỉnh BR-VT đã đến đây khảo sát và thấy, con đường mới mở đã chạy qua đỉnh gò, đất trên gò là đất pha cát có màu xám đen, hiện nay gò đã san bạt phần lớn để làm nhà. Thu được trên mặt đất một số mảnh gốm màu đỏ xương pha cát, cứng, thuộc thời Chân Lạp.
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, nhận thức sơ bộ về di tích Bàu Thành cho thấy các khu dân cư lân cận Bàu Thành đều có vết tích của người Phù Nam và sau đó là người Chân Lạp, những cư dân đã sinh sống ở đây trước khi có người Việt đến khẩn hoang lập ấp, mở nước vào thế kỷ XVII. Đây là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất vùng Nam bộ của người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI, phục vụ nước tưới cho cả một cánh đồng trồng lúa nước rộng mênh mông kéo dài sang tận Bưng Bạc, Bưng Thơm vào mùa khô.
Hiện nay, di tích Bàu Thành đang được quy hoạch xây dựng và bảo vệ nằm trong khu Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Long Điền. Theo các cán bộ văn hóa của huyện Long Điền, trước đây trung tâm mang tên là Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao Bàu Thành. Cái tên Bàu Thành cũng trở thành tên gọi thân quen của nhiều cơ sở, đơn vị trên địa bàn khu phố Long Phượng, huyện Long Điền hiện nay.