Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh dần được nới lỏng. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và có hiệu lực từ ngày 10/12.
Một trong những nội dung được nhiều DN và du khách quan tâm trong Kế hoạch trên là việc tỉnh cho phép các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú, điểm tham quan mở cửa đón khách trở lại khi đáp ứng các điều kiện ràng buộc kèm theo.
Trong số các ngành kinh tế, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và kéo dài nhất, bởi dịch bệnh COVID-19 trong gần 2 năm qua. Nếu như năm 2020, hoạt động du lịch còn hoạt động đan xen theo từng đợt dịch thì năm 2021, ngành du lịch gần như đóng băng kể từ đầu tháng 5, khi đợt dịch thứ 4 xuất hiện cho đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một khách sạn 3 sao tại TP. Vũng Tàu bày tỏ, việc UBND tỉnh cho phép mở cửa nhiều hoạt động dịch vụ, trong đó có hoạt động du lịch là thông tin được nhiều DN mong đợi. Tuy vậy, DN cũng không vội vàng đón khách ngay mà phải chuẩn bị đầy đủ các bước, phương án hoạt động để thực sự “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện tại, một số cơ sở lưu trú đã xây dựng phương án thích ứng an toàn, trình UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt. “Khi hay tin BR-VT cho phép cơ sở lưu trú đón khách trở lại, nhiều du khách đã liên hệ hỏi thăm, đặt dịch vụ. Chúng tôi rất mừng và hy vọng sẽ sớm hoàn thành các thủ tục và phương án để đón khách”, vị lãnh đạo DN trên chia sẻ.
Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại sau thời gian dài phải ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều DN du lịch đang đối mặt với những khó khăn, thách thức: cơ sở vật chất xuống cấp; người lao động nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề dẫn đến thiếu hụt nhân lực. Ngoài ra, nguồn vốn tích lũy cũng dần cạn kiệt vì phải gánh vác nhiều chi phí trong thời gian ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch chưa thể đi vào ổn định, bởi việc mở cửa đón khách còn phụ thuộc vào cấp độ dịch tại từng địa bàn. Điều đó có nghĩa là, việc DN du lịch đón khách trở lại trong thời gian này mới mang tính chất thăm dò và phải làm thận trọng, từng bước chứ chưa thể đón khách một cách ồ ạt như thời điểm trước khi có dịch.
Quyết định mở cửa hoạt động du lịch trở lại của UBND tỉnh ở thời điểm cuối năm mang nhiều ý nghĩa tích cực. Cuối năm, có nhiều lễ, tết như Noel, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, các hoạt động hội nghị, tổng kết năm. Với việc được phép đón khách từ ngày 10/12, ngành du lịch sẽ có đủ thời gian để chỉnh trang cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng phương án thích ứng an toàn để sẵn sàng đón khách trong dịp cao điểm này. Hơn nữa, đây còn là bước tạo đà quan trọng để ngành du lịch bước vào mùa cao điểm du lịch 2022, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 9/12, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin của Việt Nam là 96,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, ở khu vực miền Nam, tỷ lệ này lần lượt là 98,9% và 84,7%. Các địa phương cũng đang xúc tiến việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho người dân nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch và tiến tới mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. DN du lịch kỳ vọng khi đạt miễn dịch cộng đồng, hoạt động du lịch sẽ thuận lợi hơn.
Hiện nay, một số địa phương đã mở cửa ngành du lịch và đón khách trở lại. Hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam được thực hiện thí điểm từng bước. Từng bước mở cửa du lịch trở lại là sự cẩn trọng cần thiết nhằm bảo đảm an toàn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cùng với ngành du lịch cả nước, việc BR-VT cho phép đón khách trở lại sẽ là cơ hội cho ngành du lịch phục hồi sau đại dịch và tạo đà để trở lại mạnh mẽ hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn